Những thói quen có hại cho sức khỏe trẻ nhỏ mà bố mẹ nên biết
Có những thói quen ở trẻ tưởng không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục những thói quen như vậy, cha mẹ không có phương án sửa hoặc tránh cho con. Vậy thì về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé.
Cùng tìm hiểu về một số thói quen không tốt ở trẻ nhỏ và những mẹo khắc phục tốt nhất.
Cho con bú bình
Khi bé sơ sinh, còn nhỏ chưa thể cầm nắm các dụng cụ uống khác dễ dàng. Lúc này cho con bú bình sẽ là một trong những giải pháp tốt nhất.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, bắt đầu từ tháng thứ 6 trở đi, cha mẹ nên hướng dẫn và tập cho trẻ uống nước, uống sữa bằng cốc, bằng ly.
Nếu bé chỉ quen bú bình, lúc này con sẽ không có thói quen ăn dặm, điều này dẫn đến tình trạng bé dễ bị thiếu dinh dưỡng.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ dùng bình sữa cho con bú để dỗ bé ngủ. Điều này nếu làm thường xuyên sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị sâu răng ở trẻ nhỏ.
Con mút ngón cái
Khi không có gì ăn, hoặc không có bình sữa mút. Bé thường có xu hướng bỏ ngón tay cái vào miệng và mút.
Đây được xem là thói quen không có hại, tuy nhiên nếu trong giai đoạn bé chuẩn bị mọc răng cha mẹ cần lưu ý.
Bởi khi mút tay quá nhiều, con sẽ gây ra tình trạng đè nén ở lưỡi, khả năng mọc răng ở hàm trên sẽ bị tác động. Điều này dẫn đến sau này khi mọc răng, những chiếc răng dễ bị vẩu, hô.
Bé quá kén ăn
Chứng biếng ăn thường gặp ở trẻ, và điều này không có bất cứ cha mẹ nào mong muốn. Bởi khi con kén ăn, lúc này cơ thể không được cung cấp một lượng chất dinh dưỡng, dưỡng chất đầy đủ.
Điều đó sẽ dẫn đến con bị suy dinh dưỡng, không đảm bảo cho sự phát triển toàn diện.
Việc bé kén ăn hoàn toàn có thể khắc phục. Cha mẹ khi con đến tuổi ăn dặm, nên chuẩn bị những món ăn nhiều chất dinh dưỡng, sau đó chế biến ngon và bắt mắt. Như vậy con sẽ thích thú với việc ăn uống hơn. Sau một thời gian, sẽ tìm hiểu được sở thích, thói quen của con là gì. Từ đó chuẩn bị những phần đồ ăn hợp lí, đúng khẩu vị yêu thích con sẽ ăn nhiều hơn.
Hay ngoáy mũi
Khi con có hành động ngoáy mũi, điều này có thể ngầm gửi thông điệp đó là mũi con đang bị ngứa, có gỉ mũi, hoặc có nước mũi, dị ứng với vật gì đó. Cha mẹ cần tinh tế nhận ra vấn đề con gặp phải, từ đó có cách xử lí tránh để bé ngoáy mũi quá nhiều dẫn đến chảy máu cam.
Nếu con bị cảm, cha mẹ nên chú ý bé và lau mũi cho bé thường xuyên. Khi con cho tay vào mũi nên bỏ ra và nhắc con không nên ngoáy mũi.
Trong thời gian con bị cảm hoặc có nước mũi, lúc này với các bé sơ sinh cha mẹ có thể dùng dụng cụ hút nước mũi y tế.
Trẻ nghiến răng
Tình trạng nghiến răng không hiếm ở trẻ nhỏ. Theo một thống kê, nghiến răng có thể xảy ra ở 20% trẻ sơ sinh.
Bé thường có biểu hiện nghiến răng nhiều hơn vào ban đêm, trong giai đoạn con đang mọc răng sữa.
Nếu bạn cảm thấy việc nghiến răng có thể dẫn đến tình trạng răng của con bị ảnh hưởng. Vậy thì lúc này nên đưa bé đến nha sĩ để được tư vấn và đưa ra giải pháp tốt.
Luôn ăn vặt bất kể thời gian
Khi con có thói quen ăn vặt liên miên, trong thời gian dài. Lúc này bé có thể vì ăn vặt quá nhiều nên khi vào bữa ăn chính không đói và bỏ bữa.
Như vậy, cơ thể con sẽ bị thiếu hụt những dưỡng chất quan trọng để phát triển. Cha mẹ nên cân đối các bữa ăn phụ, ăn vặt phù hợp để khi vào ăn bữa chính, con vẫn ăn đủ và cơ thể không bị thiếu dưỡng chất cần thiết.
Nên bổ sung thêm trái cây, sinh tố, sữa chua vào các bữa phụ cho con.
Sử dụng núm vú giả trong thời gian dài
Núm vú được sử dụng như một món đồ chơi, một đồ vật giúp ngăn nguy cơ đột tử ở trẻ. Nhưng sử dụng núm vú quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe của con.
Bởi núm vú khi lấy ra, đưa vào dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh có hại cho sức khỏe. Kể từ khi bé biết đi, cha mẹ nên dần dần loại bỏ núm vú và thay thế bằng những món đồ chơi an toàn khác.